Lịch sử Án lệ Việt Nam

Sau các giai đoạn Bắc thuộc thứ nhất, thứ hai, và thứ ba đồng thời sử dụng pháp luật các nước đô hộ, Việt Nam bắt đầu tự chủ từ thế kỷ X.[15] Năm 1042, Thái Tông Lý Phật Mã ra lệnh xây dựng Bộ luật Hình thư (李朝刑書) chuyên về hình sự, tức bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ chuyên chế Việt Nam.[lower-alpha 1][17] Bộ luật này ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó; quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tùy tiện, nhũng lạm, gây ra oan trái cho dân của các quan lại; đồng thời nhấn mạnh đặc tính luật thành văn mà Việt Nam tiếp tục áp dụng, tạo ra hệ thống xuyên suốt Nhà Lý (1009–1225), cải tiến thêm phần dân sự dưới thời Nhà Trần (1226–1400).[18] Trong suốt thời kỳ này, nhà nước phong kiến lãnh đạo bởi quý tộc, quan lại, sử dụng pháp luật được lập ra để tạo chế tài cho xã hội.[19] Phương thức lập pháp được sử dụng là ban bố các bộ luật chính thức; ban hành các chiếu, chỉ, dụ, sắc, lệ hay lệnh để ra quyết định, trong đó có cả việc hướng dẫn cách xét xử khi bộ luật còn thiếu sót, chưa quy định đủ mọi góc cạnh chi tiết hoặc có quy định rồi mà chưa rõ, tất cả đều tiến hành theo kỹ thuật soạn thảo, in ấn cụ thể. Đặc tính thành văn, pháp điển hóa, tức đưa luật vào văn bản cụ thể này tác động tới sự ra đời của án lệ.[20]

Thời Nhà Lê

Lê Thánh Tông ban hành Quốc triều Hình luật ghi chép về án lệ Việt Nam.Thiên Nam dư hạ tập ghi chép luật lệ, trong đó có án lệ.

Đến Nhà Lê sơ (1428–1527), năm 1483, Thánh Tông Lê Tư Thành sai các đình thần sửa đổi, biên soạn lại các điều luật cũ, làm thành bộ Quốc triều Hình luật (國朝刑律), còn gọi là Bộ luật Hồng Đức.[21] Bộ luật gồm sáu quyển, 722 điều, và được sử dụng suốt từ thời Hồng Đức đến cuối thế kỷ XVIII lúc Nhà Lê sụp đổ. Khi xây dựng bộ luật này, Lê Thánh Tông chỉ đạo mục đích làm cho pháp luật đầy đủ, dễ hiểu và rộng rãi bằng cách sử dụng kỹ thuật ghi tóm lược lại những bản án đã được các quan xử án xử lý,[22] phán quyết trong quá khứ,[23] chọn ra làm tiền lệ pháp điển hình để về sau tham khảo, noi theo bản án đó mà xử các trường hợp tương tự.[24] Lần đầu tiên án lệ được ghi nhận là xuất hiện trong Bộ luật Hồng Đức từ những vụ án được xử trên thực tế ở các Điều 396,[lower-alpha 2] Điều 397,[lower-alpha 3] về việc phân chia tài sản là bất động sản gồm đất thổ cư, hương hỏa của gia đình, thực chất đều là những bản án được tóm lược lại, chép kèm vào bộ luật. Các phán quyết này đều là án lệ được nâng cấp thành luật, bổ sung vào Luật Hương hỏa, áp dụng trực tiếp, và có các điểm tương đồng về cả hình thức và nội dung.[24]

Các án lệ được đem vào Quốc triều Hình luật đều đổi tên đương sự có quyền và nghĩa vụ trong vụ án từ thực tế thành tên ẩn danh, các tên gọi chung như Giáp, Ất, Bính, Đinh, tức 10 can trong văn hóa Đông Á nhằm nhân rộng việc áp dụng trở về sau, phổ biến cho tất cả các vụ việc có liên quan;[20] nội dung xoay quanh đất hương hỏa, phong tục thờ cúng tổ tiên, chia di sản thừa kế, mô tả chính xác thực tế về đất đai, huyết thống và gia tộc trong xã hội, là những vấn đề tồn tại cho đến ngày nay ở xã hội Việt Nam.[24]

Bên cạnh Quốc triều Hình luật, Nhà Lê còn có các văn bản pháp luật được áp dụng khác như Quốc triều khám tụng điều lệ (1777) ghi chép tố tụng, Thiên Nam dư hạ tập (1483) ghi chép luật lệ, Hồng Đức thiện chính thư (1470) lưu trữ chủ yếu án lệ, ngoài dân sự và hình sự còn có một số án lệ liên quan đến lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình. Có các án lệ như Phụ trái tử hoàn (父债子還)[lower-alpha 4] nêu về việc áp dụng án lệ theo tình huống đạo đức, nhân văn trong xã hội cũ, khi mà con cái phải hồi đáp lại ơn huệ khi được bố mẹ sinh ra; Bất phu hữu thai (不夫有胎)[lower-alpha 5] nêu đến việc áp dụng điều khoản về thông gian, tức giảm án, giảm hình phạt khắc nghiệt cho đương sự ở vụ án không được quy định trong bộ luật về người phụ nữ không có chồng mà có thai. Bởi những sự kiện này, án lệ chính thức ra đời từ thời Nhà Lê sơ qua việc dùng bản án xét xử trong quá khứ làm căn cứ để tham khảo, dẫn chiếu nhằm đưa ra đường lối xét xử cho các vụ việc dân sự, hình sự xảy ra về sau.[29]

Thời Nhà Nguyễn

Bìa Hoàng Việt luật lệ có chứa án lệ.

Năm 1810, Thế Tổ Nguyễn Ánh giao việc soạn thảo luật cho Nguyễn Văn Thành,[lower-alpha 6][30] soạn thảo giai đoạn 1811–12,[31] có hiệu lực năm 1813,[lower-alpha 7][32] mang tên là Hoàng Việt luật lệ (皇越律例) tức Bộ luật Gia Long. Bộ luật này gồm có 22 quyển với 398 điều, xếp theo sáu loại là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công luật tương đương với sáu bộ trong triều đình. Về hình thức, bộ luật tham khảo một số phần từ pháp luật Nhà Thanh là Đại Thanh luật lệ từ cách gọi tên đến việc sắp xếp nội dung; tham khảo một phần nội dung, tuy nhiên được chỉnh sửa theo phong tục và xã hội Việt Nam, trong đó đặc biệt là xóa bỏ các cực hình trong luật Nhà Thanh như: tru di tam tộc, lăng trì.[33]

Mỗi điều khoản trong bộ luật đều có nội dung luật và lệ. Luật ở đây là các điều khoản tạo thành hệ thống khung chung, chế định và chế tài quy định luật như Quốc triều Hình luật cũ; còn lệ chính là án lệ, là những bản án đã xử trong thực tế và được xét là quan trọng nên được thêm vào trong bộ luật. Bên cạnh đó, trong cả bản gốc, bản lưu trữ và bản dịch thuật của bộ luật đều thể hiện các trình bày ghi chú cụ thể về bản án có liên quan đến điều luật được trích dẫn, chú giải thể hiện một phần được áp dụng trên thực tế có liên quan. Ngoài ra, dưới thời Nhà Nguyễn, các văn bản Hội điển toát yếu (1833), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1843–55), Minh Mệnh chính yếu (1837), Đại Nam điển lệ toát yếu (1909) cũng có những ghi chép về án lệ.[34]

Thời Pháp thuộc

...Thẩm phán nào viện lẽ rằng vì luật không quy định hoặc tối nghĩa hoặc không đủ để thoái thác không xét xử, có thể bị truy tố về sự bất khẳng thụ lý.

Nghĩa vụ xét xử, luật ba miền thời Pháp thuộc.[35][36][37]

Trong thời kỳ Pháp đô hộ (1884–1945), nền pháp luật Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng phương Tây, cụ thể là châu Âu lục địa, nhất là hệ thống pháp luật nước Pháp.[38] Với vị trí là một quốc gia nổi bật về luật thành văn, Pháp đã chuyển giao cấu trúc pháp luật này tại Việt Nam, tạo dựng những đạo luật các lĩnh vực của xã hội, trong lãnh thổ, phân thành ba miền là Bộ Dân luật Bắc Kỳ (1931), Bộ Dân luật Trung Kỳ (1936), và Dân luật giản yếu Nam Kỳ (1883), đều lấy Bộ luật Dân sự Pháp làm cơ bản và sửa đổi phù hợp theo văn hóa ở Việt Nam. Giai đoạn này, án lệ hình thành nhằm phục vụ giải thích pháp luật theo hướng rõ ràng, bổ sung những khoảng trống thiếu sót do pháp luật thực định hiện hành, hoặc quy định chưa đầy đủ.[39]

Các án lệ do hệ thống tòa án đúc kết qua những bản án đã được xét xử trong thực tế, làm tiền lệ để các vụ xét xử sau có thể tham khảo vận dụng theo đó. Nguồn án được xây dựng trong khi phân xử các vụ kiện, nếu gặp một điều luật tối nghĩa, không rõ rệt hoặc nhiều điều luật tương phản nhau; hoặc pháp luật không có quy định mà về nguyên tắc thì thẩm phán không thể không xử.[lower-alpha 8][41] Quy phạm buộc phải xử của cơ quan xét xử được nêu tại cả ba bộ dân luật ba miền, mô phỏng theo Bộ Dân luật Pháp lúc bấy giờ, nhấn mạnh việc án lệ đã được áp dụng bởi hệ thống pháp luật của Pháp tại Việt Nam.[41] Cũng trong khía cạnh này, phán quyết của các thẩm phán xét xử các cấp được lưu trữ và vận dụng trong việc tham khảo, không có tính chất bắt buộc. Những phán quyết đó sẽ trở thành án lệ khi nào được các tòa án coi như một khung hình chung, đã được tòa án cấp tối cao tổng kết và phổ biến chung cho cả nước thông qua các tạp chí công bố bản án thành án lệ như Đông Dương tư pháp tập san (Journal judiciaire de l’Indochine), Pháp lý tập san, Pháp luật tập san.[39][42]

Thời Chiến tranh Việt Nam

Hai luật gia ở miền Bắc và miền Nam thời kỳ chiến tranh có nhiều đóng góp cho lĩnh vực án lệ.

miền Nam giai đoạn 1955–75, dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh, chính thể Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ.[43] Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của Hoa Kỳ, một quốc gia thuộc hệ thống thông luật, nhưng nền pháp luật ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì luật thành văn từ thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó, đi cùng pháp luật thực định, những án lệ được sử dụng để bổ sung trường hợp pháp luật không rõ ràng, chưa đầy đủ.[43] Chẳng hạn như án lệ giá trị các văn thư làm ra dưới thời Nhật Bản chiếm lĩnh hướng dẫn rằng các văn thư về tư pháp làm ra dưới thời Nhật vẫn có giá trị nếu không điều gì trái với luật lệ thời điểm đó.[lower-alpha 9][44] Trong tố tụng thời kỳ này, khi tiến hành việc viện dẫn một bản án để chứng minh sự suy luận trong xét xử, cấp xét xử phải thống kê và nêu đầy đủ thông số từ tên tòa án ra bản án được viện dẫn, ngày tuyên bản án, tạp chí đã đăng án văn (thời gian, phần, trang).[42] Bộ Tư pháp Việt Nam Cộng hòa phụ trách, thường xuất bản ấn phẩm về án lệ theo định kỳ ba tháng, đăng tải những trích dẫn về quan điểm hay định hướng xét xử trong các bản án của Tối cao Pháp viện, Tòa thượng thẩm, những bản án này là căn cứ pháp lý để xét xử những tranh chấp tương tự.[45]

miền Bắc giai đoạn 1945–76, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo và tập trung tham gia chiến tranh thống nhất đất nước, không tập trung nhiều vào việc xây dựng hệ thống pháp luật mới nói chung, hay án lệ nói riêng.[43] Tuy nhiên, việc duy trì áp dụng hệ thống luật thành văn cũ vẫn giữ cho khái niệm và quan điểm về án lệ tồn tại. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cho phép tạm thời sử dụng một số luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam, không trái với nguyên tắc độc lập, chủ quyền cho đến khi ban hành những bộ luật thống nhất trong toàn quốc.[46] Cũng trong thời kỳ này, ở miền Bắc, về nguyên tắc không thừa nhận án lệ là nguồn của pháp luật, nhưng trong thực tiễn xét xử thì Tòa án nhân dân tối cao đã tổng kết những bản án điển hình hình thành những chuyên đề báo cáo để hướng dẫn các tòa áp dụng pháp luật thống nhất. Các văn bản pháp luật trước 1960 nhắc tới việc áp dụng án lệ trong trường hợp như nếu chỉ có luật hình sự cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét thấy cần trừng phạt;[47] tòa phúc thẩm sử dụng để chỉ đạo tòa cấp dưới;[48] hướng dẫn trừng trị tội phạm hình sự thông thường.[49][50]